“Khách mua buôn với đơn hàng nhiều nhất là 10 triệu đồng, có đơn hàng 3-4 triệu đồng. Nói chung, dù có tiếp thị bằng cách mới thì sản phẩm bán ra cũng không nhiều, lại còn rủi ro. Gốm thì nặng, lại là sản phẩm dễ vỡ nên phải đóng gói hết sức cẩn thận. Nếu sơ xuất, gốm bị vỡ thì người bán phải chịu thiệt. Nếu gửi qua bưu điện thì phải đóng thùng xốp rất cầu kỳ”, chị Trinh cho hay.
Không chỉ các cơ sở đơn lẻ, ngay các HTX với quy mô lớn ở Bàu Trúc cũng khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phú Hữu Minh Thuần – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc cho biết, cơ sở này thành lập năm 2016, kinh doanh theo dạng độc lập như một doanh nghiệp. Đây là cơ sở gốm lớn nhất ở làng nghề với 45 thành viên, người góp sản phẩm, người góp vốn.
Ông Thuần đang là Giám đốc Công ty du lịch Phan Rang, cũng là hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Ước mong lớn nhất của ông là gốm Bàu Trúc có thể nuôi được người Bàu Trúc.
“Tôi cũng tạo điều kiện hết mức để nâng cao thu nhập cho anh em nhưng thực tế, doanh thu HTX rất khiêm tốn, mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Vấn đề đầu ra hiện nay, quan trọng nhất vẫn là truyền thông để quảng bá sản phẩm thông qua webside, zalo, facebook. Chúng tôi cũng liên kết với các công ty du lịch lữ hành. Khi đưa khách đến đây, khách sẽ được trải nghiệm và hiểu được giá trị văn hóa của gốm Bàu Trúc. Rồi họ sẽ đặt hàng một số sản phẩm, nhất là các khu resort. Nhưng nếu họ cần một lượng hàng lớn thì có khi chúng tôi cũng không đáp ứng được bởi nhân lực hạn chế, lại áp lực về tiến độ. Ví dụ, nếu như như trời mưa, chúng tôi phải đợi. Mưa thì không thể phơi gốm, không thể nung gốm ngoài trời được”, Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc cho biết.
Vậy cơ sở của ông cần Nhà nước hỗ trợ những gì? Trả lời câu hỏi này, ông Thuần cho hay: Trước hết là hỗ trợ về thuế, về vốn và đào tạo nguồn nhân lực.
“Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo nghề cho con em trong làng nếu họ có tay nghề và đặc biệt, nên đưa nghề gốm vào chương trình giáo dục để con em chúng ta hiểu hơn về nghề truyền thống, từ đó hội tụ nhiều hơn các nghệ nhân về đây”, ông Thuần bày tỏ.
Làng gốm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ dân, trong đó 70% người dân Bàu Trúc biết làm gốm. Theo ông Thuần, một số cơ sở làm gốm ở Bàu Trúc đang hoạt động cầm chừng. Nghệ nhân của làng nghề nổi tiếng như vậy nhưng chưa có một nghệ nhân nào được Bộ VHTT và DL công nhận. Do đó, muốn bảo tồn nghề gốm thì cấp thiết phải tạo ra nguồn nhân lực.
Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc cũng thừa nhận, làng gốm Bàu Trúc hiện nay chưa có dấu ấn về bản sắc bởi một số ngôi nhà cổ đã được xây mới, không còn nét nguyên sơ truyền thống. Cần có quy hoạch tổng thể để trở thành không gian phát triển du lịch.
Hồ sơ gốm Chăm Bàu Trúc đã đệ trình lên UNESCO để bảo vệ khẩn cấp
Ông Văn Công Hòa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, người Chăm ở Ninh Thuận có 2 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật làm gốm và lễ hội Katê. Trong đó, nghệ thuật làm gốm Chăm Bàu Trúc, UBND tỉnh đã tham mưu và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình UNESCO để công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
“Như thế nào là cần được bảo vệ khẩn cấp? Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc nếu không được bảo vệ thì chắc chắn sẽ mai một trong tương lai bởi đây là di sản văn hóa phi vật thể độc nhất vô nhị, có một không hai trên thế giới. Không có một đất nước nào có nghệ thuật làm gốm như ở Bàu Trúc. Nếu được UNESCO công nhận thì Chính phủ sẽ có một chính sách bảo vệ và phát triển. Hiện nay, cái khó nhất là đầu ra của gốm Bàu Trúc”, ông Hòa cho hay.
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, vì khó tiêu thụ nên các thế hệ con em ở Bàu Trúc không muốn tiếp nối nghề truyền thống vì không bảo đảm được cuộc sống. Nếu không có chính sách thì trong tương lai, nghệ thuật làm gốm sẽ khó trụ vững và phát triển.
Trước ý kiến cho rằng, không gian làng gốm Bàu Trúc chưa thể hiện bản sắc văn hóa đối với du khách, ông Hòa nói: “Dù gốm Bàu Trúc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng đúng là khách du lịch cũng chưa hài lòng lắm khi đến thăm Bàu Trúc. Sở Văn hóa với vai trò quản lý nhà nước đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp nhưng thực sự đến nay vẫn chưa thực hiện được vì phải đợi UNESCO công nhận. Chúng tôi cũng rất hy vọng phát huy tối đa lợi thế làng nghề để thu hút khách du lịch trong thời gian tới”.
Theo lời ông Hòa, Chính phủ đã trình UNESCO hồ sơ gốm Bàu Trúc, vấn đề còn lại là thời gian. Trước khi trình hồ sơ cho UNESCO, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức một hội thảo mang tính quốc tế, gồm những chuyên gia ở các nước và họ cũng thấy được tính cấp thiết của việc bảo tồn nghề gốm Bàu Trúc. Nếu không kịp thời bảo tồn thì nghề gốm sẽ thất truyền.
Nhằm giúp người dân Bàu Trúc tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Sở VHTT&DL cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất để làng gốm Bàu Trúc quảng bá sản phẩm ở Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác thông qua các sự kiện văn hóa, lễ hội.
“Những dịp như thế thì hàng mang đi cũng tiêu thụ hết nhưng quan trọng nhất là sản phẩm tại chỗ vẫn không tiêu thụ được”, ông Hòa cho hay.
Tháng 8 năm nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2021-2030.
Ông Ngô Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước (nơi có làng gốm Bàu Trúc) cho biết, riêng huyện Ninh Phước cũng đã đề ra các giải pháp để phát triển làng nghề như: Đào tạo nghề, phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi trong làng nghề, thu hút doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia chuỗi giá trị sản xuất, khuyến khích họ đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao.
Cùng với đó sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật làng nghề; hình thành cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn gắn với Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, đáp ứng nhu cầu khám phá, tham quan và mua sắm của khách du lịch; Bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn bền vững.
Chưa biết khi nào gốm Chăm Bầu Trúc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, thiết nghĩ, điều mà Ninh Thuận có thể làm được ngay bây giờ, đó là sự hiện diện nhiều hơn nữa của gốm Chăm tại các khu nghỉ dưỡng, các khách sạn, nhà hàng, các không gian công cộng như vườn hoa, công viên, bãi biển… Đó là cách quảng bá tốt nhất cho di sản văn hóa của địa phương, vừa giải quyết đầu ra tại chỗ cho làng nghề.
Vấn đề cảnh quan, môi trường (do cách nung gốm ngoài trời) cũng cần phải giải quyết trước mắt để tạo những ấn tượng tốt đối với du khách./.