Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 314
  • Trong tuần: 4155
  • Tất cả: 1765352
Làng Mỹ Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận) bảo tồn nghề dệt truyền thống gắn với phát triển du lịch
(VOV5) - Đến thăm làng Mỹ Nghiệp, du khách không chỉ được dịp tận mắt chiêm ngưỡng những tấm thổ cẩm đa dạng màu sắc mà còn được xem, nghe kể về văn hóa đồng bào Chăm

Làng Mỹ Nghiệp, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km về phía Nam, là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Truyền thuyết kể rằng, vào thế kỷ XVII, có một phụ nữ tên là Ponagar (người Chăm gọi là Po Inư Nagar, người Mẹ xứ sở đã có công dạy người Chăm lao động, sản xuất, sinh sống) đến vùng đất này và truyền nghề dệt vải cho ông Xa và bà Chaleng. Hai ông bà là vợ chồng sinh sống ở làng Ca Klaing năm xưa và nay chính là làng Mỹ Nghiệp. Từ đó, nghề dệt vải được dân làng bảo tồn và phát triển đến ngày nay và làng Mỹ Nghiệp đã trở thành một trong những làng nghề dệt tiêu biểu của dân tộc Chăm ở tỉnh Ninh Thuận nói riêng và khu vực duyên hải miền Trung nói chung.

Làng Mỹ Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận) bảo tồn nghề dệt truyền thống gắn với phát triển du lịch - ảnh 1Sản phẩm dệt làng Mỹ Nghiệp. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Làng Mỹ Nghiệp hiện có 700 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu, nhưng có tới hàng trăm thợ dệt tay nghề cao, trong đó có nhiều nghệ nhân kinh nghiệm gắn bó lâu năm với nghề. Để dệt được một tấm vải thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn khác nhau, như: tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống… Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, công phu của người thợ.

Bà Đổng Thị Hồng Gấm, người dân làng Mỹ Nghiệp, bộc bạch: "Đây là nghề xa xưa truyền thống nên bắt buộc sau này mỗi người phải kế tiếp làm trong gia đình. Công đoạn quan trọng và khó làm là bật bông, dệt chỉ đổi màu. Khung dệt thường có 2 loại, loại ngắn dệt khăn mặt, vải khổ nhỏ, khung dài dệt khăn bàn, vải khổ lớn."

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận năm 2021 ban hành kế hoạch phát triển làng nghề giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có bảo tồn phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch. Địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển làng nghề truyền thống.

Bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Phước Dân, cho biết: "Chúng tôi xây dựng nhà trưng bày để cho bà con phục hồi nghề truyền thống và trưng bày sản phẩm giới thiệu đến du khách. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nghệ nhân trong làng nghề đào tạo nghề truyền dạy nghề cho con em địa phương. Đối với nghề dệt làng Mỹ Nghiệp thì khôi phục lại các hoa văn cổ do những người nghệ nhân lớn tuổi làm, lưu giữ nét đặc trưng, bản sắc riêng biệt của làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Nét độc đáo đối với dệt thổ cẩm của làng Mỹ Nghiệp đó là bà con dệt vải bằng tay, tức là làm thủ công. Các sản phẩm được đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân tạo ra sản phẩm độc đáo."

Làng Mỹ Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận) bảo tồn nghề dệt truyền thống gắn với phát triển du lịch - ảnh 2Du khách tham quan và xem trình diễn nghề dệt làng Mỹ Nghiệp. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Để tạo ra những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người thợ dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối… như họa sĩ thực thụ. Biểu tượng hoa văn trên vải thổ cẩm mang triết lý về đời sống, phong tục tập quán, tôn giáo, tư duy mỹ thuật của đồng bào Chăm. Sản phẩm dệt truyền thống ở làng Mỹ Nghiệp có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ bởi hoa văn sắc sảo, độc đáo, mà còn là sự phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chủng loại.

Bà Thuận Thị Trào, Trưởng quầy bán hàng Hợp tác xã dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, cho biết: "Thông thường, khăn choàng cổ dệt bằng tơ bán rất chạy, Sản phẩm có ba lô, túi xách, ví cầm tay, giỏ sách, giỏ đeo, nón, tấm trải giường… Sản phẩm bán ở các điểm du lịch, nhất là các hội chợ triển lãm. Mỗi nhà có con gái có một cái khung cửi dệt cho con gái. Ví dụ nhà có 3 con gái thì có 3 khung dệt. Bây giờ chúng tôi gia công nhiều mặt hàng để phục vụ khách du lịch. Thợ giỏi, nghệ nhân trong làng tập trung ở nhà trưng bày sản phẩm, trình diễn nghề truyền nghề cho bà con, học hỏi nhau."

Đến thăm làng Mỹ Nghiệp, du khách không chỉ được dịp tận mắt chiêm ngưỡng những tấm thổ cẩm đa dạng màu sắc mà còn được xem, nghe kể về văn hóa đồng bào Chăm, những câu chuyện về nghề dệt. Trong đó, nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề dệt được đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, trải nghiệm.

Chị Grace Thomson, du khách Australia, cảm nhận: "Tôi lần đầu tiên đi cùng với anh rể và chị gái đến Việt Nam. Sản phẩm dệt mà nghệ nhân người Chăm làm rất tinh xảo, có tay nghề rất tài năng mới làm ra được sản phẩm tinh xảo tuyệt vời đến thế. Qua sản phẩm đó đưa nền văn hóa Việt Nam vào từng sản phẩm một."

Để bảo tồn và phát triển nghề, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã kết nối với nhiều đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận để nhận đơn đặt hàng với số lượng lớn. Chính quyền địa phương và dân làng phối hợp tổ chức tập huấn cho con em ở trong làng cách làm du lịch chuyên nghiệp, đào tạo thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, xây dựng website làng nghề, tham gia các hội chợ, triển lãm trong cả nước để quảng bá sản phẩm.