Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 89
  • Hôm nay: 1171
  • Trong tuần: 7044
  • Tất cả: 1931417
Vui học dưới mái nhà chung
Thiêng Anh Cường, học sinh lớp 6B, vừa cẩn trọng đi một nước cờ vừa mỉm cười với bạn chơi đối diện trên bàn cờ vua trong câu lạc bộ sau giờ học chiều ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú-Trung học cơ sở Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Bên ngoài, các bạn của em người thì chơi bóng bàn, người chơi bóng đá, bóng chuyền trong tiếng reo hò vui nhộn.

“Con muốn được ở nhà”, Cường, người dân tộc Chăm, có vóc dáng nhỏ hơn so với các bạn cùng tuổi, trả lời đầy bất ngờ với câu hỏi em muốn ở trường hay ở nhà. Nhà Cường ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), cách trường chưa đầy 2km. Bố mẹ ly hôn, Cường và em trai ở với bà ngoại trong một ngôi nhà chật chội, sâu trong con ngõ đầy đất và khoảnh sân nhỏ loang lổ những vũng nước đọng, chỗ khô thì bà ngoại dùng để gom phế liệu đem bán. Mấy tháng trước khi Cường lên lớp 6, giáo viên của trường đã phải kiên trì đến nhà thuyết phục để em vào học nội trú, nơi có điều kiện để em sống và học tập tốt hơn, đồng thời cũng bớt đi vất vả cho bà ngoại của em.

Vui học dưới mái nhà chung
Cô Nguyễn Mai Ngọc Huyền trong giờ dạy tiếng Anh. 

“Cường là một trong những trường hợp đặc biệt của đặc biệt bởi học sinh có hoàn cảnh khó khăn, là người dân tộc thiểu số (DTTS) mới được học tại trường”, cô Hà Thị Thương Trúc, giáo viên chủ nhiệm của Cường chia sẻ. “Học sinh có hoàn cảnh khó khăn thường rụt rè, ít giao tiếp nên chúng tôi có cách khuyến khích các em hòa nhập hơn như tham gia các buổi sinh hoạt cuối tuần, học võ, chơi bóng đá, bóng chuyền, cờ vua... để các em đỡ nhớ nhà và tự tin hơn trong cuộc sống hằng ngày”, cô Trúc cho biết thêm.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú-Trung học cơ sở Ninh Phước có tổng số hơn 260 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 là người dân tộc Chăm và Ra Glay, phần lớn có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thầy Trần Mai Thanh, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, học sinh của trường ngoài được miễn học phí còn được hưởng chế độ hỗ trợ tài chính bằng 80% mức lương cơ sở, được cung cấp dụng cụ học tập như cặp, sách, bút, vở... Ở nội trú, các em được khám bệnh định kỳ, được mua bảo hiểm y tế và dùng chung tủ thuốc của nhà trường. 

Dạy học sinh DTTS ở ngôi trường này không phải dễ, một phần do năng lực của các em và một phần bởi các em nói tiếng dân tộc mình cùng tiếng Việt. Do vậy, bên cạnh việc bám theo chương trình đào tạo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên phải thiết kế các bài giảng riêng, lồng ghép những điều đơn giản nhưng bảo đảm nội dung bài học.

Môn học thông thường đã vậy, dạy tiếng Anh cho các em còn khó hơn, đòi hỏi thầy, cô giáo phải tìm cách khơi dậy ham muốn học tập của các em. Cô Nguyễn Mai Ngọc Huyền, giáo viên dạy tiếng Anh của nhà trường tiết lộ: “Năm đầu bỡ ngỡ, tôi cố gắng dùng 80% tiếng Anh khi dạy nhưng các em khó hiểu. Tôi chuyển sang dùng 50% tiếng Anh, 50% tiếng Việt, kết hợp hình ảnh, cử chỉ để học sinh quen, sau đó lại tăng dần tỷ lệ sử dụng tiếng Anh trong lớp. Giờ các em đã có thể tham gia thi hùng biện bằng tiếng Anh của trường”. Cô Huyền cũng cho biết, học sinh DTTS có những điểm mạnh là sở hữu nét văn hóa đặc trưng riêng, do đó, giáo viên sẽ chủ động lồng ghép những yếu tố mang bản sắc văn hóa của địa phương, dân tộc để các em thuyết trình trong giờ học, giúp các em tự tin và tự hào hơn về văn hóa của dân tộc mình.

“Đây không chỉ là trường mà còn là ngôi nhà chung. Học sinh, giáo viên đều học tập và sinh hoạt ở đây. Sau giờ học, giáo viên và học sinh cùng chơi thể thao như những thành viên trong gia đình. Thời gian của chúng tôi ở trường nhiều hơn ở nhà”, cô Huyền cho biết. Cũng chính từ nhiệt huyết của giáo viên và môi trường học tập vui vẻ, ấm áp như ở nhà đã giúp các em học sinh người DTTS vươn lên trong học tập. Năm học 2021-2022, 67/67 em tốt nghiệp và đăng ký học tiếp trung học phổ thông. Đây là một thành công lớn của nhà trường.

Ngôi trường nội trú thực sự đã trở thành ngôi nhà thứ hai của những học sinh nơi đây. Châu Đức Anh, học sinh lớp 9A khoe: “Ở trường, con được thầy cô quan tâm và bạn bè giúp đỡ. Con được ăn uống đầy đủ, chơi với các bạn, mỗi tháng được về thăm nhà hai lần nên không nhớ nhà nữa”. Cũng giống Đức Anh, những học sinh ban đầu nhớ nhà, muốn về nhà như Cường dần dần sẽ quen với trường, lớp và bạn bè, bởi cả giáo viên cùng học sinh ở đây đều xác định trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em.

Bài và ảnh: NGỌC HƯNG
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/cac-van-de/vui-hoc-duoi-mai-nha-chung-711549