Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 891
  • Trong tuần: 6203
  • Tất cả: 1904928
KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG HSSV VÀ HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM (9/1/1950 – 9/1/2022)
I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO HỌC SINH, SINH VIÊN VÀ HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM (09/01/1950 - 09/01/2022)
Trong tiến trình của lịch sử dân tộc, học sinh - sinh viên đóng vai trò quan trọng, là lực lượng tham gia trực tiếp vào cuộc trường chinh đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Ngày nay, học sinh - sinh viên là nền móng quan trọng xây nên đội ngũ trí thức mới, có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Hội Sinh viên Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam. Thông qua các hoạt động của mình, Hội Sinh viên đã và đang góp phần giáo dục, bồi dưỡng để hình thành lớp học sinh, sinh viên mới “vừa hồng, vừa chuyên”: có lý tưởng, bản lĩnh vững vàng; hoài bão lớn, lối sống đẹp; kiến thức phong phú; có trách nhiệm với cộng đồng. Bằng các hoạt động thiết thực, phong phú, Hội Sinh viên Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong mỗi bước trưởng thành của phong trào thanh niên Việt Nam. Hiện nay, Hội Sinh viên Việt Nam có 28 Hội Sinh viên cấp tỉnh, 44 tổ chức Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương, 10 Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước (Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Áo, Đức, Bỉ, Hungari, Anh, Thái Lan, Singapore) với hơn 1,2 triệu hội viên. Nhìn lại lịch sử 71 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và sự chăm lo, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam đã trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng và trở thành niềm tự hào của lớp lớp thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam.
Trong giai đoạn 1925 - 1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, nhiều tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời. Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng. Đầu năm 1930, các tổ chức cộng sản gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam; hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng...
Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng ở các trường cao đẳng, đại học trong cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội - trung tâm đại học của cả Đông Dương.
Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc. Sau cách mạng tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra.
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.
Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp vô cùng tàn khốc.
Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai. Để ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Trong giai đoạn này, tổ chức Hội (Đoàn) học sinh, sinh viên kháng chiến được thành lập cả 3 miền Bắc, Trung, Nam lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên không chỉ gây tiếng vang trong cả nước mà còn được sự ủng hộ và hưởng ứng của các tổ chức học sinh, sinh viên, thanh niên tiến bộ trên thế giới.
Trong giai đoạn 1955-1975, học sinh, sinh viên và Hội liên hiệp Sinh viên Việt Nam (sau này là Hội Sinh viên Việt Nam) tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, hăng hái góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; biểu hiện sinh động thông qua các phong trào, các hoạt động như: xung kích diệt giặc dốt, tiến quân vào khoa học kỹ thuật,…Đặc biệt là phong trào “Ba sẵn sàng” được khởi phát trong sinh viên Hà Nội sau đó nhanh chóng lan nhanh sang các tỉnh, thành phố khác. Với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng vạn sinh viên viên từ các trường đại học đã tình nguyện nộp đơn xin nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh anh dũng, đó là những tấm gương như: Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm,…Cùng thời điểm đó, Hội liên hiệp học sinh, sinh viên miền trung Trung Bộ được thành lập, cùng với đông đảo quần chúng đã xuống đường đấu tranh chống lại chế độ độc tài Mỹ - Diệm. Tổng Hội Sinh viên Miền Nam và các tổ chức khác của học sinh, sinh viên đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào học sinh, sinh viên Miền Nam biểu tình chống bắt lính, chống sự can thiệp của Mỹ, đòi quyền tự do - dân chủ, khơi dậy lòng yêu nước, thúc dục thanh niên đứng lên đấu tranh chống kẻ thù dân tộc, tiêu biểu là những tấm gương như: Nguyễn Thái Bình, Quách Thị Trang,…
Sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề, những năm 1975 - 1993, Hội sinh viên Việt Nam một mặt củng cố xây dựng tổ chức Hội sinh viên vững mạnh, thành lập hội sinh viên tại các tỉnh, thành phối, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, thu hút đông đảo sinh viên tham gia tổ chức Hội Sinh viên; mặt khác cùng sinh viên cả nước đẩy mạnh các phong trào học tập, rèn luyện và góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới đất nước.
Sau đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V, ngày 9/2/1994, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra thông báo số 86 công nhận Hội Sinh viên Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam. Phong trào sinh viên và tổ chức hoạt động Hội đã có bước phát triển mới, mặc dù vào thời điểm còn nhiều khó khăn như sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, sự chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, đất nước còn nghèo, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục chỉ đạo, triển khai các phong trào, chương trình có ý nghĩa như: “học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, “chăm lo đời sống, quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên”, “Hoạt động văn hóa thể thao và công tác xã hội”,…Đặc biệt, các hoạt động xã hội được hầu hết các trường đại học, cao đẳng tích cự tham gia như: “đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ánh sáng văn hóa hè”, “Mùa hè xanh”, “hiến máu nhân đạo”,… và cao điểm là “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè” (được phát động trên cả nước từ năm 2000) đã thu hút hàng triệu lượt thanh niên hăng hái tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đồng thời xây dựng hình ảnh đẹp của người sinh viên Việt Nam.
Bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sinh viên được xác định là bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực để thực hiện sự nghiệp cao cả ấy. Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2009 - 2013 đã xác định hai cuộc vận động đó là: cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” và cuộc vận động “Sinh viên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh”; thông qua đó thực hiện mục tiêu đề ra của tổ chức đó là xây dựng Hội Sinh viên vững mạnh, tập hợp, đoàn kết, giáo dục sinh viên; phát huy tiềm năng của sinh viên xung kích, tình nguyện; tích cực chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp phát, chính đáng của sinh viên. Trên cơ sở kết quả của cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt”, Đại hội IX Hội Sinh viên Việt Nam chính thức phát động phong trào “Sinh viên 5 tốt”. Đến nay, phong trào “Sinh viên 5 tốt” tiếp tục là phong trào chủ đạo của sinh viên Việt Nam, ngày càng thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo sinh viên, thực sự là môi trường lý tưởng để sinh viên phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Tính đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, mỗi Đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển của sinh viên Việt Nam, của phong trào sinh viên và công tác Hội Sinh viên Việt Nam.
Với những thành tích đạt được Hội Sinh viên Việt Nam đã vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý “Huân chương Độc lập hạng Nhất” (năm 2000), “Huân chương Hồ Chí Minh” (năm 2005) và “Huân chương Sao vàng”. (năm 2010). Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống học sinh - sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, Hội một lần nữa vinh dự đón nhân Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ II).
II. THANH NIÊN - HỌC SINH TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN TỰ HÀO TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM
Năm học vừa qua mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng Thanh niên, học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.
1. Tổ chức giải bóng đá học sinh lần thứ 3 với 24 đội tham gia thi đấu. Trong đó có 11 đội ở nội dung bóng đá nam và 13 đội ở nội dung bóng đá nữ.
2. Tổ chức “nuôi heo đất”: "Nuôi heo đất" là phong trào nằm trong phương hướng công tác đoàn và phong trào thanh niên của đoàn trường nhiệm kỳ 2020 - 2021.
3. Kỳ thi Olimpic truyền thống 30/4 lần thứ 26: Cuộc thi Olimpic truyền thống 30/4 lần thứ 26 được tổ chức tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) trường có 49 học sinh ở hai khối 10, 11 với 9 môn thi. Kết quả đạt được:
- 2 học sinh có điểm số cao nhất môn là bạn Diệp Thanh Hoàng chi đoàn 11HS nhất môn Hóa 11, bạn Nguyễn Phúc Như Bình chi đoàn 11T nhất môn Sinh học 11.
- 5 huy chương vàng ở các môn: Hóa học, Ngữ văn, Lịch Sử và Sinh Học.
- 15 huy chương bạc/ 2 khối.
- 11 huy chương đồng / 2 khối.
4. Kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Cấp tỉnh: Kết quả có 115 giải. Trong đó, có 5 giải nhất, 28 giải nhì và 82 giải ba.
Cấp quốc gia: có 14 HS THPT đoạt giải kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia. Trong đó có 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 4 giải Ba và 7 giải Khuyến khích.
6. Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh.
Trường có 4 sản phẩm dự thi cấp tỉnh, kết quả: 2 giải 3 và 2 giải tư.
7. Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh.
Các bạn đoàn viên nhà trường tham gia 5 nội dung thi đấu: Điền kinh, bóng bàn, bóng rổ, cầu lông và cờ vua.
Kết quả đạt được: Nhất toàn đoàn với 12 huy chương vàng, 1 huy chương đồng ở các nội dung, cụ thể: 6 huy chương bóng rổ nam, nữ; 4 huy chương vàng bóng bàn, 2 huy chương vàng cờ vua và 1 huy chương đồng cầu lông.
8. Cuộc thi “Môi trường xanh”: Đại diện duy nhất của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã xuất sắc đạt được giải 3 và là một trong 3 đội xuất sắc nhất của tỉnh tham gia vòng chung kết sẽ diễn ra ở Nha Trang vào tháng 7 tới.
9. Cuộc thi Tuyên truyền giới thiệu sách đã được tổ chức để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóc đọc Việt Nam 21/4 lần thứ 8 với chủ đề: SÁCH - NGUỒN TRI THỨC VÔ TẬN. Tham gia cuộc thi, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có 4 đội thi là các bạn đoàn viên, thanh niên của cách chi đoàn: 12T, 12TA, 11V và 10V.
Kết quả: các đội thi trường THPT Chuyên đạt được 1 giải nhất, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích. Cụ thể: Giải nhất: độ thi lớp 11V; Giải ba: đội thi lớp 10V; Khuyến khích: đội thi lớp 12T và đội thi lớp 12TA.
10. Hội thi Olympic Tiếng Anh dành cho học sinh, sinh viên tỉnh Ninh Thuận năm 2021 do Tỉnh Đoàn Ninh Thuận tổ chức. Đội thi trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã tham gia với kết quả chung cuộc đạt giải ba toàn đoàn và đặc biệt dành được giải xuất sắc phần thi hùng biện.
Còn rất nhiều các cuộc thi, các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tập thể đã được các chi đoàn tổ chức và thu hút sự tham gia đông đảo của các đoàn viên, thanh niên.
Được tiếp lửa và trao truyền kinh nghiệm, nhiệt huyết từ các thế hệ học sinh chuyên, với tài năng, sức sáng tạo và tinh thần yêu quê hương, đất nước, tin rằng thanh niên, học sinh chuyên Lê Quý Đôn sẽ tích cực học tập, rèn đức, luyện tài để trở thành các công dân xuất sắc, góp sức mình vào xây dựng tỉnh Ninh Thuận và đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh và phát triển.

Có thể là hình ảnh về 18 người và mọi người đang đứng
Có thể là hình ảnh về 7 người, mọi người đang đứng và mọi người đang ngồi
Có thể là hình ảnh về 8 người, mọi người đang đứng và trong nhà
Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đứng và văn bản cho biết 'Sở GIÁO DỤC ĐÀO TẠO NINH THUẬN TRƯỜNG CHUYÊNLE QUÝ TUYÊN DƯƠNG HỌC SINH VÀ GIÁO VIÊN ĐÃ ĐẠT THÀNH TÍCH TRONG KỲ THI CHAN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA NĂM 0C 2020 2021 tháng 01 năm 2021'
Có thể là hình ảnh về 15 người và mọi người đang đứng
Có thể là hình ảnh về 7 người và mọi người đang đứng
Có thể là hình ảnh về 8 người và mọi người đang đứng
Có thể là hình ảnh về 10 người và mọi người đang đứng