Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 115
  • Hôm nay: 945
  • Trong tuần: 6818
  • Tất cả: 1931191
Tư vấn học đường: Cần lắm sự kiên trì và thấu hiểu
Nhiều người cho rằng, Phòng Tư vấn học đường là nơi gửi những học sinh “cá biệt”, khó giáo dục để được tư vấn chuyên sâu nhưng thực tế, đó là nơi mà những học sinh gặp khó khăn, có sự thay đổi bất thường, hoặc sức học quá yếu cũng có thể tìm đến để được tư vấn.

Tư vấn học đường phải là nơi chia sẻ mọi khúc mắc của học trò. (Ảnh minh họa)
Tư vấn học đường phải là nơi chia sẻ mọi khúc mắc của học trò. (Ảnh minh họa)

Nhiều người cho rằng, Phòng Tư vấn học đường là nơi gửi những học sinh “cá biệt”, khó giáo dục để được tư vấn chuyên sâu nhưng thực tế, đó là nơi mà những học sinh gặp khó khăn, có sự thay đổi bất thường, hoặc sức học quá yếu cũng có thể tìm đến để được tư vấn.

Theo cô giáo Nguyễn Lương Thiện – Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): “Phòng Tư vấn giúp giáo viên hiểu hơn về học sinh của mình, để giáo dục có hiệu quả từng đối tượng học sinh. Hay nói cách khác, đây là nơi giúp giáo viên và học sinh hiểu nhau hơn, có thể chia sẻ, cảm thông và tác động giáo dục học sinh theo cách nào cho phù hợp”.

Câu chuyện cụ thể được cô Nguyễn Lương Thiện chia sẻ: “Học sinh Vũ Long được chuyển từ Hoàng Diệu về đầu năm lớp 11 với vẻ mặt luôn mệt mỏi, đầu tóc bù xù, đôi mắt ít thiện cảm, với những giờ học ngủ đỏ mắt, sách vở ghi chép lôm côm, luộm thuộm, lúc thiếu lúc đủ. Tôi thật vất vả và thường xuyên phải để mắt tới em. Em lần lượt vô lễ với các thầy cô: đầu tiên là cô Văn, rồi đến cô Hóa, em luôn sẵn sàng ứng phó rất đường chợ, nói là cãi, là lý sự thậm chí cãi rất hỗn. Lần thứ ba em đã cãi nhau tay đôi với cô giáo dạy Lý, tôi quyết định chuyển em qua Tư vấn.

Khi phải sang phòng tư vấn học đường em tỏ ra rất khó chịu, không thích hợp tác, trả lời rất quả quýt. Nhìn phiếu kết quả thầy Giảng chuyển lại tôi vô cùng chán nản với những suy nghĩ rất bất cần “chả thích trường Đinh Tiên Hoàng”, “chả có ấn tượng gì về thầy cô cả”, “chẳng yêu thích điều gì”, “người yêu cũng không quan trọng”. Nhưng có một điều khiến tôi phải quan tâm suy nghĩ đó là khi trao đổi về cô chủ nhiệm em có nói: cô ấy chỉ vì lớp bị điểm kém, sợ mất thi đua nên cô ấy hay mắng chúng em và em là học sinh có chỉ số IQ, EQ khá cao, khả năng kiềm chế kém...”

Cô Thiện đã gặp riêng em học sinh, lần này hoàn toàn khác, chủ động bày tỏ một lời xin lỗi khéo léo về những lời mắng có thể không đúng lúc với em.

“Tôi chia sẻ những cảm giác của em khi bị các thầy cô giáo mắng, tôi cũng bày tỏ mong muốn được em chia sẻ lại cảm giác của cô bộ môn khi em cãi hỗn, của cô chủ nhiệm khi lớp bị điểm kém hoặc có những học sinh chưa ngoan. Tôi nói là tôi rất vui và cảm ơn em đã nói thật, nói thẳng thắn. Tuy em không bằng lòng với cô nhưng em chưa hề vô lễ với cô chứng tỏ em đã bằng lòng với cô nhưng em chưa hề vô lễ với cô chứng tỏ em đủ cố gắng kiềm chế tốt và em tôn trọng cô...

Tôi chia sẻ để em hiểu thi đua là của cả tập thể chứ không phải của riêng cô. Trong tập thể có bao nhiêu bạn đang cố gắng chỉ có 1 - 2 học sinh không cố gắng thì kết quả thế nào? Cả tập thể phải gánh chịu như vậy “một con sâu làm rầu cả nồi canh” hoặc em đang cố gắng làm một thứ gì đó mà bạn em, em em phá hỏng em phải làm lại em có khó chịu không...?

Qua lần trò chuyện đó, tôi thấy em tỏ ra thân thiện hơn, tôi đã hiểu và cảm thông được với em hơn, hiểu vì sao em không thể đi tham quan mà hoàn toàn không phải lý do em nói với cô chủ nhiệm, cô Hiệu phó trong lúc không thiện chí, tức giận “có gì hay mà đi, đi thăm quan chả để làm gì”.

Từ sự thân thiện, gần gũi đó, từ những lời khen chê, động viên đúng lúc, đúng mực em đã dần dần thay đổi. Học kỳ II em đạt học sinh tiên tiến, hạnh kiểm tốt. Em là một tấm gương mà tôi thường đưa ra trước lớp để các bạn học tập, trao đổi. Tôi mừng, em vui, gia đình em hạnh phúc và quan trọng hơn tôi rút ra được một bài học về cách làm chủ nhiệm, cách tiếp cận học sinh và cách mình giáo dục học sinh như thế nào.”, cô Thiện kể.

Tiếp tục với câu chuyện thực tế thứ hai, cô Thiện đã trực tiếp xử lý, là trường hợp em là học sinh lầm lỳ, ít nói, chả mấy khi vi phạm nên 2 năm trôi qua thầy cô không phải bận tâm gì về em cả. Nhưng đến đầu năm học này em thay đổi. Em nghỉ học, em không chép bài, em ngủ gục...

Cô Thiện đã liên hệ với gia đình để tìm hiểu nguyên do, mẹ em học sinh này cũng bày tỏ sự thất vọng về thay đổi của em. Tuy nhiên, sau một thời gian kiên trì tìm hiểu và sẻ chia, vào buổi tối muộn cô giáo nhận được một tin nhắn: “Cô ơi em là Văn Minh đây, em đang đau bụng quá, không biết mai em có đi học được không”.

“Tôi vô cùng bất ngờ vì chưa có học sinh nam nào lại nhắn tin chia sẻ với cô như vậy, nhất là với em người không thích nói. Hai ngày liền em nghỉ học. Tối hôm đó tôi nhắn tin hỏi thăm em, tôi nhận được một tin nhắn thật lạ “Em đỡ rồi, mai em được gặp cô và các bạn rồi”. Và tôi cứ ngẫm mãi về từ “được” ấy. Tôi chưa biết rồi đây em sẽ thế nào nhưng có một điều tôi tin là em đã biết cuộc sống cần biết bao sự sẻ chia và khi biết cách chia sẻ sẽ nhận được sự cảm thông.”, cô Thiện trải lòng.

Làm người mẹ thứ 2 của học trò, kiên trì, thấu hiểu và sẻ chia là điều vô cùng cần thiết. Mỗi giáo viên cần thấm nhuần mục tiêu, “tư vấn không phải để “gột rửa sạch sẽ” học sinh mà giúp giáo viên hiểu hơn về học sinh, tìm ra những phương pháp tác động tới học sinh phù hợp hơn, nâng cao hiệu quả giáo dục”.
Bảo Minh ghi



Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại