Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 919
  • Trong tuần: 9793
  • Tất cả: 1621957
Học sinh lớp 8 gây bất ngờ khi chế tạo máy cấy lúa
Nguyễn Đức Dương (HS lớp 8A, Trường THCS thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) gây chú ý trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2019, vì chế tạo ra máy cấy lúa tự động và đoạt giải Ba.

Nguyễn Đức Dương (giữa) đoạt giải Ba Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2019
Nguyễn Đức Dương (giữa) đoạt giải Ba Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2019

Nguyễn Đức Dương (HS lớp 8A, Trường THCS thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) gây chú ý trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2019, vì chế tạo ra máy cấy lúa tự động và đoạt giải Ba.

Cậu học trò và ý tưởng đặc biệt

Chị Nguyễn Thị Loan (mẹ của HS Nguyễn Đức Dương) chia sẻ với Báo GD&TĐ rằng, gia đình bất ngờ khi biết con mình muốn chế tạo máy cấy lúa: “Gia đình tôi trước đây cũng làm ruộng nên có thể con đã sớm để ý đến công việc nặng nhọc của người nông dân. Rồi trong một lần ra đồng xem các bác cấy lúa, Dương nảy ra ý định sáng chế một chiếc máy cấy tự động, có thể giảm bớt cực nhọc cho người nông dân”.

Nguyễn Đức Dương đã chia sẻ ý tưởng của mình với thầy giáo Nguyễn Đức Quỳnh, GV dạy Vật lý ở trường. Thầy Quỳnh chính là người khen ngợi và khuyến khích Dương hiện thực ý tưởng đặc biệt đó.

Cậu học trò lớp 8 cùng thầy giáo đặt mua linh kiện trên mạng (khoảng 4 triệu đồng) để bắt đầu mày mò sáng tạo. Từ ý tưởng trên bản vẽ đến khi hoàn thành một chiếc máy cấy lúa có động cơ, hai thầy trò đã trải qua 6 tháng chế tạo, khá nhiều chi tiết hình thành chiếc máy cấy phải chỉnh sửa nhiều lần.

Đức Dương cho biết khó khăn nhất trong chế tạo của em là thiết kế bộ điều khiển từ xa cho máy. Khi chưa hoàn thành, chiếc máy hoạt động vẫn phải có người đi cùng dưới ruộng. Sau đó các GV đã gợi ý Dương nên làm bộ điều khiển tự động, giúp người nông dân không phải lội xuống ruộng, đỡ cực nhọc vào mùa đông rét mướt.

Sau đó, Dương và thầy Quỳnh đã liên hệ nhờ các kỹ sư Trường Cao đẳng Việt Hàn (Bắc Giang) xin tư vấn, hỗ trợ làm bộ phận điều khiển cho chiếc máy cày. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của các kỹ sư, chiếc máy cấy của Dương đã điều khiển được qua phần mềm điện thoại thông minh (smart phone).

Nhân rộng những sáng tạo trong học sinh

Máy cấy của Nguyễn Đức Dương làm bằng sắt, thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, nhưng kết cấu vững chắc, trọng lượng khoảng 22 - 23 kg, dễ di chuyển ở mọi địa hình ruộng. Công suất của máy có thể thay thế sức lao động của 6 người nông dân (cấy bằng tay theo lối truyền thống). Đáng chú ý, chiếc máy cấy tự động của Dương thân thiện với môi trường, không sử dụng nhiên liệu đốt (như xăng dầu), máy dùng điện qua ắc quy.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kim (Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Dân) nhận xét: “Nguyễn Đức Dương ngoan, chăm chỉ, nhiều năm liền là HS xuất sắc. Năm vừa rồi em đạt giải Nhì và Ba cuộc thi HS giỏi cấp huyện môn Tiếng Anh và Toán. Em cũng từng đạt giải Nhì quốc gia môn Tiếng Anh qua mạng Internet. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ là GV, Dương được gia đình ủng hộ và hỗ trợ rất lớn với những ý tưởng, sáng tạo của mình”.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim cũng nhận thấy, hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) của HS nông thôn còn khó khăn về kinh phí, điều kiện tiếp cận KHKT không nhiều; thời gian để HS đầu tư cho KHKT còn ít; phong trào nghiên cứu KHKT ở địa phương còn hạn chế.

Sau thành công của Nguyễn Đức Dương, để phát triển phong trào sáng tạo KHKT trong nhà trường, theo nhà giáo Nguyễn Thị Kim: “Ban giám hiệu, tổ chuyên môn cần quan tâm đến các cuộc thi, xác định vai trò quan trọng của các cuộc thi. Với HS đam mê nghiên cứu KHKT cần hỗ trợ, khuyến khích các em biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Nhân rộng phong trào sáng tạo KHKT trong nhà trường là rất cần thiết”. 

Thanh Tuấn
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại